LỊCH SỬ NGÀNH IN ẤN
Thay thế việc chép tay để sao lưu tri thức nhân loại đầy tốn kém về mặt thời gian và công sức, in ấn ra đời đã đưa nhân loại lên một nấc tiến hóa cao hơn nữa. Hãy cùng nhau điểm qua những dấu mốc quan trọng và thú vị trong lịch sử của ngành in ấn.
Chiếc đĩa Phaistos trong bảo tàng khảo cổ của Heraklion.
1400 – 1800 TCN: Công cụ in ấn cổ đại trong lịch sử nhân loại được cho rằng chính là chiếc đĩa Phaistos. Chiếc đĩa này được tìm thấy ở đảo Greek tại Hy Lạp. Nhà khảo cổ học người Ý Luigi Pernier phát hiện năm 1908 trong một khu cung điện Minos của Phaistos với niên đại ở khoảng những năm 1400 – 1800 TCN. Một trong những bí ẩn lớn nhất của khảo cổ này hiện được trưng bày ở bảo tàng khảo cổ của Heraklion.
105 AD: Quan chức Trung quốc Thái Luân phát minh ra giấy.
175 AD: Phương thức in ấn đầu tiên ra đời: giấy than. Động cơ sáng tạo ra hình thức in này bắt nguồn từ lệnh phong ấn sách vở Khổng giáo của Hoàng đế Hán triều nhằm mục đích lưu trữ cho đời sau. Lệnh phong ấn này khiến các tín đồ của Khổng giáo khó khăn trong việc tiếp cận kho tài liệu quý giá và giấy than ra đời.
868 AD: Kinh Kim Cương ra đời. Đây là bản in có tuổi thọ lâu đời nhất còn tồn tại đến ngày nay. Vào năm 1907, cuốn kinh này đã được tìm thấy tại hang Đôn Hoàng nằm dọc con đường Tơ lụa lịch sử.
Bản gốc Kim Cương Kinh in đời nhà Đường năm 868
1045 AD: Pi Sheng, một trong bốn nhà phát minh thiên tài cổ đại của Trung Quốc đã nghĩ ra phương pháp in rời văn tự. Mỗi ký tự riêng lẻ được sắp xếp tùy mục đích in ấn.
1276: Nhà máy giấy đầu tiên được thành lập ở Frabino, Ý đã mở đầu cho ngành công nghiệp in ấn ở Châu Âu.
1450: Johannes Gutenberg phát minh và hoàn thiện hệ thống in ấn dành cho sách vở với nét chữ rất đẹp và sắc nét. Ông được mệnh danh là ông tổ ngành in. Bởi phát minh của ông đã mở ra thời kỳ Phục Hưng trong nền văn minh Châu Âu và ảnh hưởng lớn tới ngành in ấn hiện đại. Life Magazine đánh giá công nghệ in của Gutenberg là phát minh vĩ đại nhất trong lịch sử 1000 năm trở lại đây. Tượng của ông được đặt tại hai thành phố lớn của Đức là Dresden và Mainz.
Ông tổ nghề in – Johannes Gutenberg
1796: Alois Senefelder, một nhà viết kịch người Đức, đã phát minh ra phương pháp in thạch bản (lithography). In thạch bản là phương pháp in ấn trên bề mặt nhẵn, là tiền đề cho in ấn offset hiện đại.
1811: Máy in đầu tiên chạy bằng hơi nước được thiết kế bởi kiến trúc sư người Đức Friedrich Koenig, với khả năng in ra khoảng 1100 trang/giờ.
Máy in chạy bằng hơi nước những năm 1800
1884: Máy in Lino ra đời, hình thành cột mốc đáng nhớ cho lịch sử ngành in. Với công suất lên tới hàng triệu bản in trong một ngày, Lino đã đưa báo chí vào thời kỳ hoàng kim thịnh vượng trong lịch sử phương tiện truyền thông của nhân loại.
1949: Công nghệ in khô của chàng sinh viên Chester Carlson đã được tập đoàn Haloid tại New York biến thành sự thực. Haloid gọi công nghệ này là Xerography (in khô trong tiếng Hy Lạp). Đây là tiền đề cho tên gọi mới của Haloid sau này - Xerox, tập đoàn in ấn hàng đầu thế giới.
Máy in khô đầu tiên trên thế giới
1969: Gary Starkweather của Xerox phát minh ra máy in Laser. Máy in Laser có thể cho ra 200 bản photo trong vòng chưa đầy một phút, và con số là 100 bản/phút với in màu.
1970: Ngay sau máy in Laser của Xerok, máy in ma trận điểm (in kim) được tập đoàn công nghệ điện tử Maynard, Massachusett cho ra mắt. Ký tự in được tạo ra bởi rất nhiều điểm. Điều này đã khuyến khích việc sáng tạo ra vô vàn phông chữ. Tuy nhiên, máy in ma trận điểm không chiếm được cảm tình lâu dài bởi chất lượng bản in thấp, không in được hình ảnh và tiếng ồn nó tạo ra. Hiện nay, máy in này vẫn được sử dụng vào việc in hóa đơn trong siêu thị, cửa hàng tạp hóa.
Máy in ma trận điểm
1980: Dr. Kodama có ý tưởng đầu tiên về in 3D, được mô tả phương pháp sản xuất bằng cách đắp các lớp vật liệu chồng lên nhau. Ông được coi là ông tổ của công nghệ SLA.
1988: Chiếc máy in phun đầu tiên được đưa vào sử dụng với giá thành thách thức máy in Laser cùng thời điểm khi chỉ rẻ bằng 1/3. Máy in phun là lựa chọn hàng đầu nếu muốn tạo ra hình ảnh với màu sắc sống động và trung thực. Từ đó đến nay, máy in Laser và máy in phun không ngừng được cải tiến để đáp ứng nhu cầu của ngành in ấn.
2010s: In 3D trở thành trụ cột trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Năm đầu tiên của thập kỷ này là năm của IN 3D với sự kiện hết hạn bảo hộ bản quyền của FDM. Công nghệ in 3D được hi vọng rằng sẽ có khả năng tạo dựng nên những thiết bị điện tử phức tạp có thể hoạt động được. Đó sẽ là bước tiến lớn trong tiến trình phát triển của nhân loại, đưa sức sáng tạo của con người ra vô hạn.
Chuck Hull – Ông trùm ngành in 3D
Với những dấu mốc quan trọng đã đi qua, in ấn ngày càng chứng tỏ vị thế của mình trong dòng chảy trí tuệ của nhân loại. Công nghệ in ấn ngày càng đươc chau chuốt và hoàn thiện về mặt kỹ thuật cũng như tích hợp thêm rất nhiều tiện ích để mang đến hiệu quả tốt nhất cho người dùng.